GIẢI PHẪU TIM THÚ NHỎ
Tim là cơ quan chính bơm máu đi khắp cơ thể thông qua tuần hoàn hệ thống và hệ thống phổi. Tâm nhĩ trái nhận máu nhiều oxy từ phổi, đưa xuống thất trái và thất trái bơm máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể (tuần hoàn hệ thống). Tâm nhĩ phải nhận máu nghèo oxy từ tất cả các bộ phận của cơ thể, đưa xuống thất phải và thất phải bơm máu đến phổi (tuần hoàn phổi).
Kích thước: tim tùy thuộc vào loài và trọng lượng thú. Thông thường tim chiếm khoảng 0.7%-0.8% trọng lượng cơ thể trên chó và 0.28%-0.33% trọng lượng cơ thể trên mèo.
Hình dạng và vị trí: tim có hình nón và nằm vị trí trung tâm của trung thất. Vị trí tim nằm nghiêng trong lồng ngực với đáy tim hướng về phía đầu-mặt lưng (dorsocranially) và đỉnh tim hướng về phía đuôi-mặt bụng (ventrocaudally). Tim nằm lệch về phía bên trái khoảng 60% trong lồng ngực. Tim được bao bọc bởi màng ngoài tim, trong khoảng từ xương sườn thứ ba (hoặc thứ tư) đến xương sườn thứ sáu (hoặc thứ bảy). Về mặt giải phẫu tim gồm đáy, đỉnh, bờ trước và bờ sau. Đáy tim được tạo thành bởi các tâm nhĩ và nằm về phía lưng. Đỉnh tim gần với xương ức, ở mức sụn sườn thứ sáu. Bờ trước được tạo bởi nhĩ phải và thất phải, và bờ sau được tạo bởi nhĩ trái và thất trái.
Hình (a). Vị trí tim trong tư thế nghiên trái. Hình (b) Vị trí tim trong tư thế sấp
Tim gồm 3 lớp: ngoại tâm mạc (màng ngoài tim), lớp cơ tim và nội tâm mạc. Lớp cơ tim dày và được cấu tạo bởi cơ vân và nội tâm mạc là lớp mỏng có bề mặt trơn nhẵn. Màng ngoài tim gồm hai lớp là ngoại tâm mạc sợi và ngoại tâm thanh mạc. Ngoại tâm thanh mạc sẽ có 2 lớp là lá thành và lá tạng Khoang màng tim là khoảng không gian giữa lá thành và lá tạng của màng tim. Khoang màng tim bình thường sẽ chứa một lượng dịch nhỏ (dịch ngoại tâm mạc) có chức năng bôi trơn và đệm giữa hai lớp khi tim co bóp.
Tim gồm 4 buồng: nhĩ trái (left atrium), nhĩ phải (right atrium), thất trái (left ventricle), và thất phải (right ventricle). Tâm nhĩ là các buồng nhận máu, còn tâm thất là các buồng bơm máu. Lớp thành cơ tâm thất sẽ dày hơn tâm nhĩ để thích hợp cho việc co bóp đẩy máu đi ra khỏi tim. Thêm vào đó, thành thất trái dày hơn thành thất phải vì nó cần đẩy máu vào tuần hoàn hệ thống trong khi tâm thất phải chỉ cần đẩy máu vào tuần hoàn phổi.
Nhĩ trái và nhĩ phải ngăn cách nhau bởi một vách ngăn gọi là vách ngăn liên nhĩ, và thất trái và thất phải cũng được ngăn cách bởi vách ngăn liên thất. Tâm nhĩ và tâm thất ở mỗi bên thông nhau qua một lỗ mở để đấy máu xuống tâm thất. Mỗi tâm nhĩ có một phần phụ gọi là tiểu nhĩ, bên trong có các cơ lược. Tâm nhĩ trái và phải dẫn máu xuống tâm thất qua van nhĩ-thất. Van nhĩ-thất bên trái gọi là van hai lá (mitral valve), còn bên phải là van ba lá (triscupid valve). Các van này gắn vào vòng xơ (fibrous ring), tách cơ của tâm nhĩ ra khỏi cơ của tâm thất và đóng vai trò là điểm gắn kết cho lá van (valvular cusp). Van hai lá gồm hai lá van là lá thành và lá vách ngăn. Đối với van ba lá, còn có một lá van góc nằm giữa hai lá van chính. Lá van được liên kết với cơ nhú (papillary muscles) thông qua các dây chằng tim (chordae tendineae). Các cấu trúc cơ có hình nón trong mỗi tâm thất gọi là cơ nhú (papillary muscles). Dây chằng tim (chordae tendineae) là các dây sợi cơ xuất phát từ đỉnh của cơ nhú hoặc trực tiếp từ các gờ nhỏ trên thành tâm thất. Thất trái có hai cơ nhú chính và thất phải có ba cơ nhú chính. Các cơ nhú và các dây chằng van tim được sắp xếp liên kết với nhau theo trật tự để tránh sự cuộn ngược của các lá van khi tâm thất co. Van hai lá và van ba lá hoạt động như van một chiều, chỉ mở trong quá trình đổ đầy thất (tâm trương) và đóng lại trong quá trình làm trống thất (tâm thu).
Van giữa thất trái với động mạch chủ gọi là van động mạch chủ và van giữa thất phải với thân động mạch phổi là van động mạch phổi. Hai van này đều có ba lá van (lá vành trái, lá vành phải, lá không vành) và có hình bán nguyệt. Chức năng của van động mạch chủ và van động mạch phổi cũng là van một chiều, chỉ mở trong khi đổ đầy tâm thất (tâm trương), đóng khi làm trống tâm thất (tâm thu).
Ngoài ra, trong mỗi buồng tâm thất còn có bè cơ tim (trabeculae carneae) và dải cơ vách bè cơ tim (trabecula septomarginalis). Các bè cơ tim (trabeculae carneae) là các gờ cơ tim từ thành ngoài của tâm thất nhô vào lòng tâm thất và dải cơ vách bè cơ tim là dải cơ đơn hoặc phân nhánh kéo dài qua lòng thất phải. Hai cấu trúc này giúp đảm bảo sự co bóp gần như đồng thời của các phần trong tâm thất và giảm sự nhiễu loạn của máu.
Tài liệu tham khảo:
- Singh, B., & Dyce, K. M. (Eds.). (2018). Dyce, Sack, and Wensing’s textbook of veterinary anatomy (Fifth edition). Saunders.
- Mindray Academy. Anatomy of heart in small animal Veterian Key. The Heart and Arteries