Kỹ thuật siêu âm các mặt cắt cơ bản bên trái là một phương pháp siêu âm tim quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh bằng cách đặt đầu dò phía bên ngực trái của thú, Thông thường, tư thế siêu âm thích hợp là đặt thú nằm nghiêng trái với vị trí tim đặt tại lỗ khuyết trên bàn siêu âm tim để tối ưu hóa hình ảnh thu được.
Hình 1.1. Tư thế nằm nghiêng trái và vị trí tim được đặt tại lỗ khuyết trên bàn siêu âm
Phương pháp bao gồm hai loại mặt cắt chính: mặt cắt bên trái tại mỏm tim (Left apical views) và mặt cắt cạnh ức trái (Left parasternal views). Hai mặt cắt này giúp bác sĩ thu được những hình ảnh tốt nhất trong việc đánh giá động mạch chủ (Aorta), động mạch phổi (Pulmonary artery), nhĩ trái (Left atrium), nhĩ phải (Right atrium) và các tâm thất (Ventricles).
Trong đó mặt cắt bên trái tại mỏm tim (LAp) bao gồm 2 mặt cắt thường được sử dụng:
- Mặt cắt 4 buồng bên trái tại mỏm tim (LAp A4C)
- Mặt cắt 5 buồng bên trái tại mỏm tim (LAp A5C)
Các mặt cắt cạnh ức trái bao gồm các mặt cắt trục dài (Long-axis) và trục ngắn (Short-axis):
- Mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ (LPS Lax Ao)
- Mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại tiểu nhĩ phải (LSP Lax RAA)
- Mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi (LPS Lax PA)
- Mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại động mạch phổi và van ba lá (LPS Sax PA-TV)
1. Mặt cắt bên trái tại mỏm tim (Left apical views)
A. Kỹ thuật siêu âm và đánh giá mặt cắt 4 buồng bên trái tại đỉnh tim (LAp A4C)
Kỹ thuật siêu âm
Mặt cắt 4 buồng tại mỏm tim thu được khi đầu dò được đặt bên dưới tại thành ngực bụng bên trái, với mỏm mốc của đầu dò hướng về phía xương sống nằm ngược với đường đen trên đầu dò (Hình 1.2, Hình 1.3), đầu dò hướng về phía cổ của con thú và đặt vào khoảng gian sườn thứ 5 gần với mấu nối sụn sườn. Ngoài ra, góc tạo giữa đầu dò và thành ngực khoảng 30⁰ ở chó; tuy nhiên, đối với mèo, góc siêu âm nằm trong khoảng từ 20⁰ đến 30⁰ do cấu trúc tim mèo trong lồng ngực nằm thẳng hơn và gần song song với xương ức khiến bề mặt đầu dò hướng nhiều hơn về phía chân trước so với chó.
Hình 1.2. Hình ảnh minh họa hướng mặt cắt 4 buồng bên trái tại mỏm tim và vị trí đặt đầu dò ở chó
Hình 1.2. Vị trí đặt đầu dò thu được mặt cắt 4 buồng bên trái tại mỏm tim ở mèo
Đánh giá hình ảnh siêu âm 2D mặt cắt 4 buồng bên trái tại mỏm tim
Mặt cắt 4 buồng cho phép ta quan sát tâm thất, tâm nhĩ cả bên trái và bên phải, van hai lá (mitral valve) và van ba lá (tricuspid valve). Đặc điểm bình thường để đánh giá hình ảnh tối ưu siêu âm 2D ở chó ở mèo bao gồm:
- Đỉnh tim nằm trên cùng của trường siêu âm.
- Thất trái (LV) nằm bên phải và thất phải (RV) nằm bên trái trên trường siêu âm, với chiều dài của thất trái (LV) dài hơn hai lần so với chiều rộng thất trái (LV)
- Các tâm nhĩ nằm bên dưới trường siêu âm, với kích thước nhĩ phải (RA) nhỏ hơn hoặc cùng kích thước với nhĩ trái (LA)
- Van hai lá (Mitral valve) và van ba lá (Tricuspid valve) mỏng và không có dấu hiệu trồi ngược lại tâm nhĩ.
Hình 1.4. Mặt cắt 4 buồng bên trái tại đỉnh tim bình thường
B. Kỹ thuật siêu âm mặt cắt 5 buồng bên trái tại đỉnh tim (LAp A5C) và đánh giá
Kỹ thuật siêu âm
Để thu được mặt cắt 5 buồng mỏm tim trái, ta bắt đầu từ mặt cắt 4 buồng bên trái tại mỏm tim (LAp A4C), nâng đầu dò lên hơn về phía lồng ngực và hướng nhẹ đầu dò về phía đầu của thú khiến cho góc tạo giữa đầu dò và thành ngực nhỏ lại (đầu dò có thể song song với bàn siêu âm, đặc biệt là ở mèo), và xoay nhẹ đầu dò (rotation) cho mỏm mốc hướng nhẹ về phía đầu để quan sát động mạch chủ rõ hơn.
Hình 1.5. Hình ảnh minh họa hướng mặt cắt 5 buồng bên trái tại mỏm tim (Lưu ý: góc đầu dò đã xoay nhẹ, bề mặt đầu dò hướng nhiều hơn về phía đầu)
Đánh giá hình ảnh siêu âm 2D mặt cắt 5 buồng bên trái tại mỏm tim
So với mặt cắt 4 buồng bên trái tại mỏm tim (LAp A4C), đặc điểm đánh giá mặt cắt 5 buồng bên trái tại mỏm tim (LAp A5C) có một chút khác biệt, bao gồm các đặc điểm giống và khác nhau:
- Đỉnh tim nằm trên cùng của trường siêu âm.
- Thất trái (LV) nằm bên phải và thất phải (RV) nằm bên trái trên trường siêu âm, với chiều dài của thất trái (LV) dài hơn hai lần so với chiều rộng thất trái (LV)
- Các tâm nhĩ nằm bên dưới trường siêu âm, tuy nhiên ở mặt cắt này có thể quan sát được động mạch chủ (Ao) và khó thấy được nhĩ phải (RA), với kích thước nhĩ trái (LA) lớn hơn động mạch chủ (Ao).
- Van hai lá (Mitral valve) và van ba lá (tricuspid valve) mỏng và không có dấu hiệu trồi ngược lại tâm nhĩ.
Hình 1.6. Mặt cắt 4 buồng bên trái tại đỉnh tim bình thường
2. Mặt cắt siêu âm cạnh ức trái (Left parasternal views)
A. Kỹ thuật siêu âm mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ (LPS Lax Ao)
Kỹ thuật siêu âm
Để thu được mắt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ (LPS LAx Ao), đầu dò đặt trước tim và hướng nhẹ về phía sau, mỏm mốc (mũi tên trắng) hướng về phía đáy tim và chân trước (Hình 2.1). Đầu dò hướng về xương bả vai. Góc giữa đầu dò và thành ngực khoảng 45⁰. Trượt đầu dò trong hai gian xương sườn sau chân trước, từ mấu nối sụn sườn tới xương ức cho đến khi thấy được tim.
Hình 2.1. Hình ảnh minh họa hướng mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ và vị trí đặt đầu dò
Đánh giá hình ảnh siêu âm 2D mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ
Các đặc điểm bình thường để đánh giá mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ (Ao) bao gồm:
- Đường ra thất trái (LVOT) không tắc nghẽn (không có mô và cơ).
- Các lá của van động mạch chủ (Ao) không có tổn thương.
- Kích thước dọc theo chiều dài của động mạch chủ (Ao) bằng nhau.
Hình 2.2. Mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ bình thường
B. Kỹ thuật siêu âm mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại tiểu nhĩ phải (LPS Lax RAA)
Kỹ thuật siêu âm
Với mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại tiểu nhĩ phải, ta bắt đầu từ mặt cắt trục dài tại đường ra thất trái (LPS Lax RAA). Vẫn giữ chiều hướng và mỏm mốc tương tự, hạ cáp đầu xuống khiến cho góc giữa đầu dò và thành ngực lớn hơn đến khi thấy được tiểu nhĩ.
Hình 2.3. Hình ảnh minh họa hướng mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại nhĩ phải và tiểu nhĩ phải (Lưu ý: góc giữa đầu dò và thành ngực đã thay đổi, cáp đầu dò hạ xuống, bề mặt đầu dò hướng lên, mỏm mốc vẫn hướng về phía chân trước)
Đánh giá hình ảnh siêu âm 2D mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại tiểu nhĩ phải
Mặt cắt này chủ yếu đánh giá cấu trúc tại vị trí nhĩ phải và tiểu nhĩ phải. Các đặc điểm bình thường tại mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại nhĩ phải và tiểu nhĩ phải, bao gồm:
- Tiểu nhĩ không chứa mô mềm
- Cấu trúc mô mềm nằm trong hoặc bám ngoài tiểu nhĩ liên quan đến khối u ở chó và huyết khối ở mèo.
Hình 2.4. Mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại tiểu nhĩ phải bình thường
C. Kỹ thuật siêu âm mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi (LPS Lax PA)
Kỹ thuật siêu âm
Tương tự, đối với mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi (LPS LAx PA), ta bắt đầu từ mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ (LPS LAx Ao), vẫn giữ chiều hướng và mỏm mốc tương tự, nâng đầu dò lên khiến cho góc giữa đầu dò và thành ngực nhỏ lại đến khi thấy được động mạch phổi (PA).
Hình 2.5. Hình ảnh minh họa hướng mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi (Lưu ý: góc giữa đầu dò và thành ngực đã thay đổi, cáp đầu dò nâng lên, bề mặt đầu dò hướng dần xuống dưới, mỏm mốc vẫn hướng về phía chân trước)
Đánh giá hình ảnh siêu âm 2D mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi
Các đặc điểm bình thường ở mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi, bao gồm:
- Van động mạch phổi (PV) mỏng và di chuyển về hai thành của động mạch phổi (PA)
- Không có sự giãn nở hoặc mở rộng của động mạch vượt quá van.
Hình 2.6. Mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch phổi bình thường
D. Kỹ thuật siêu âm mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại động mạch phổi và van ba lá (LPS Sax PA-TV)
Kỹ thuật siêu âm
Từ mặt cắt trục dài cạnh ức trái tại động mạch chủ (LPS LAx Ao), vẫn giữ đầu dò tại vị trí tương tự, xoay đầu dò để mỏm mốc hướng về xương sống và nằm dưới, ngược với đường đen trên đầu dò (Hình 2.7) đến khi thấy động mạch chủ (Ao), góc giữa đầu dò và thành ngực khoảng 45⁰. Thực hiện thao tác quạt bề mặt đầu dò hướng về phía đáy tim (hướng về chân trước) để thấy được động mạch phổi (PA), quạt về phía đuôi để thấy được van ba lá và nhĩ phải. Tại mặt cắt này thường khó thấy cả động mạch phổi (PA) và van ba lá (TV) trên cùng một hình.
Hình 2.7. Hình ảnh minh họa hướng mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại động mạch phổi, van ba lá và vị trí đặt đầu dò
Đánh giá hình ảnh siêu âm 2D mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại động mạch phổi và van ba lá
Các đặc điểm bình thường tại mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại động mạch phổi và van ba lá ở chó và mèo, bao gồm:
- Van ba lá (TV) mỏng và hoạt động tốt
- Van động mạch phổi (PV) mỏng và di chuyển về phía hai thành động mạch phổi (PA)
- Kích thước dọc theo chiều dài của động mạch phổi tới đoạn phân nhánh phải bằng nhau
- Đây là mặt cắt Doppler chủ yếu để đánh giá dòng chảy tâm thu động mạch phổi, suy phổi và trào ngược van ba lá.
Hình 2.8. Mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại van ba lá bình thường
Hình 2.9. Mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái tại động mạch phổi bình thường
Kết luận
Kỹ thuật siêu âm tim mặt cắt bên trái kết hợp với việc đánh giá hình ảnh 2D đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và đánh giá các bệnh lý tim mạch. Nhờ vào khả năng hiển thị hình ảnh siêu âm tim rõ nét, chi tiết về cấu trúc và chuyển động của tim ở dòng máy Vetus của Megavet phương pháp này giúp bác sĩ xác định chính xác các bất thường về hình thái và chức năng tim.
Ứng dụng và đánh giá hình ảnh siêu âm tim 2D không chỉ hỗ trợ phát hiện các bệnh lý van tim, rối loạn chức năng thất mà còn giúp theo dõi tiến triển bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị. Với những ưu điểm vượt trội như độ phân giải cao của dòng máy Vetus, khả năng không xâm lấn và siêu âm theo thời gian thực, kỹ thuật này ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân tim mạch.
Tài liệu tham khảo
1. Tài liệu gốc: Dacvim, A. H. E. D. (2023, March 3). Echocardiography in General Practice: 4 Views to master. Clinician’s Brief. https://www.cliniciansbrief.com/article/echocardiography-general-practice-4-views-master
2. Hình ảnh và nội dung minh hoạ thao tác siêu âm: Boon, J. A. (2016). Two-Dimensional and M-Mode echocardiography for the small animal practitioner. John Wiley & Sons.